Cây viễn chí có tác dụng gì?

Viễn chí là một loại dược liệu phổ biến được nhiều người biết đến và sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong điều trị bệnh. Vị thuốc viễn chí có tác dụng rất tốt đối với những người bị suy nhược thần kinh, mất ngủ, ho, tăng cường trí nhớ, viêm phế quản, yếu sinh lý,… Vậy cây viễn chí là gì? Cây viễn chí có tác dụng gì? Cây viễn chí ngâm rượu có tác dụng gì? Để hiểu rõ hơn về công dụng của viễn chí, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết sau đây.

Cây viễn chí là cây gì?

Cây viễn chí thuộc họ viễn chí Polygalaceae có tên khoa học là Polygala tenuifolia Willd. Bên cạnh đó, cây viễn chí còn được gọi với nhiều tên gọi khác như tiểu thảo, khổ viễn chí, chích viễn chí, khổ yêu, viễn chí nhục, chí thông, nga quản chí thông, yêu nhiễu,…

Hình ảnh viễn chí

Cây viễn chí có tác dụng gì?
Cây viễn chí có tác dụng gì?

Cây viễn chí là loài cỏ nhỏ sống lâu năm, thân thảo cao 10 – 20cm, cây phân nhánh trực tiếp từ gốc, cành nhỏ có hình sợi và được phủ bởi lớp lông mịn.

Các lá mọc so le, các lá phía trên dài, đầu lá nhọn, mép lá cuộn xuống mặt dưới, lá rộng khoảng 3 – 5mm, dài khoảng 2cm. Các lá phía dưới có hình bầu dục, rộng khoảng 4 – 5mm, cuống lá dài 0.5mm.

Những bông hoa màu xanh nhạt ở dưới, màu tím ở ngọn và màu trắng ở giữa, hoa mọc thành từng chùm gầy và ngắn. Quả nang có hình bầu dục, mặt ngoài nhẵn. Cây viễn chí thường cho hoa và quả vào khoảng tháng 11 và tháng 12 hàng năm.

Bộ phận dùng

Dược liệu là phần rễ hình trụ hơi cong, đường kính 0.3 – 0.8cm và dài 10 – 15cm. Mặt ngoài có màu vàng tro, có nếp nhăn ngang dọc, vân đứt tương đối dày và lõm sâu hoặc vết rễ nhanh như cái máng nhỏ. Chất dòn, dễ bẻ gãy, mặt cắt ngang có màu trắng vàng, ở giữa rỗng. Dược liệu hơi có mùi, vị đắng, hơi cay, khi nhai có cảm giác tê cuống họng.

Khu vực phân bố

Viễn chí là một vị thuốc quý hiếm, được phân bố chủ yếu ở Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.

Ở Việt Nam, cây thường tập trung ở các khu vực vùng núi, đồi núi thấp và tập trung ở các tỉnh từ Thái Nguyên đến Thanh Hóa của nước ta.

Viễn chí là loại cây ưa sáng, cây thường mọc ở những khu đất ẩm, xen lẫn với các loại cỏ thấp ven rừng, đồng ruộng hoặc ruộng cao ở vùng núi thấp.

Viễn chí là loại cây ưa khí hậu ẩm mát, thuộc loại cây cận nhiệt đới. Ở các vùng phía Bắc, loài cây này chỉ có thể được nhìn thấy và xuất hiện vào mùa hè.

Đến cuối mùa hè, khi quả già và chết cây sẽ tàn lụi và từ đó cây có khả năng tái sinh phát triển tự nhiên từ hạt, chúng được gieo trồng tương đối dễ.

Thu hái, chế biến

Dược liệu được thu hoạch vào mùa xuân và mùa thu, đào cây lên. Sau khi thu hoạch đem loại bỏ tạp chất trên rễ và cành khô, sau đó đem phơi nắng đến khi khô sẽ thấy vỏ của nó hơi nhăn. Sau đó đem loại bỏ các loại gỗ bên trong và đem phơi đến khi khô hoàn toàn là dùng được.

Cách bào chế:

Rễ viễn chí sau khi thu hoạch đem sao lên, rút bỏ phần lõi gỗ bên trong.

Lấy dược liệu viễn chí sắc với cam thảo, cứ 5kg viễn chí thì lấy 100g cam thảo, đun sôi đến khi viễn chí hút hết toàn bộ nước thì đổ ra phơi khô.

Đem dược liệu bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nơi ẩm vì có thể gây ẩm mốc dược liệu làm ảnh hưởng đến công dụng vốn có của dược liệu.

Thành phần hóa học

Theo nghiên cứu cho thấy, trong dược liệu viễn chí có chứa một lượng lớn hoạt chất saponin – Một hoạt chất quý được phát hiện trong tam thất bắc và nhân sâm. Ngoài ra, dược liệu còn chứa nhựa, dầu béo, polygalitol và triterpen.

Tác dụng dược lý – Viễn chí có tác dụng gì?

Trong đông y viễn chí có tác dụng gì?

Theo đông y, vị thuốc viễn chí có vị đắng, hơi cay, tính ôn, không có độc nên được quy vào 4 kinh can, thận, tỳ và tâm. Vị thuốc viễn chí có công dụng giúp an thần, giảm đau, di tinh, mộng tinh, ghẻ lở, động kinh, chữa ho, tiêu đờm, hồi hộp, bồn chồn, viêm phế quản, viêm họng lâu ngày, tăng cường chức năng sinh lý, ung nhọt sưng, suy nhược thần kinh, suy giảm trí nhớ, chứng hay quên,…

Trong y học hiện đại viễn chí có tác dụng gì?

  • Tác dụng chống ho: Trên mô hình thí nghiệm trên chuột nhắt trắng, cho thấy chuột bị ho uống dược liệu ở liều cao có tác dụng giảm ho rõ rệt.
  • Tác dụng long đờm: Vị thuốc viễn chí có tác dụng làm loãng đờm và giúp loại bỏ dễ dàng.
  • Tác dụng giảm đau: Trong mô hình gây đau ở chuột nhắt, cho chuột uống nước sắc từ viễn chí cho thấy tác dụng giảm đau rõ rệt.
  • Tác dụng an thần, gây ngủ: Vị thuốc viễn chí có tác dụng kéo dài thời gian ngủ và dễ đi vào giấc ngủ. Nó có tác dụng hiệp đồng với thuốc ngủ barbituric ở chuột thí nghiệm.
  • Tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương: Viễn chí có khả năng ức chế hệ thần kinh trung ương và chống co giật.
  • Tác dụng đối với vi khuẩn: Cao viễn chí có tác dụng kháng khuẩn và ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn như trực khuẩn lao, trực khuẩn lỵ, một số vi khuẩn gram dương và thương hàn.
  • Tác dụng tán huyết: 5% dịch chiết từ rễ cây viễn chí và các bộ phận trên mặt đất của cây không có tác dụng tán huyết.
  • Tác dụng trên tử cung: Thí nghiệm trên tử cung mèo, chuột và thỏ cho thấy, cao lỏng viễn chí có tác dụng kích thích co bóp tử cung ở cả con vật có thai và không có thai, vì vậy không nên dùng cho phụ nữ mang thai.
  • Bên cạnh đó, hoạt chất saponin trong dược liệu có khả năng gây buồn nôn do kích thích dạ dày, vì vậy không nên dùng cho người bị viêm loét dạ dày, tá tràng.

Những bài thuốc có tác dụng chữa bệnh từ viễn chí

Chữa nước tiểu đục và đỏ – Viễn chí có tác dụng gì?

Lấy 500g viễn chí đã bỏ lõi và ngâm với nước cam thảo, 80g phục thần đã bỏ lõi và 80g ích trí nhân. Đem các dược liệu tán thành bột mịn rồi dùng miến chưng với rượu làm thành hồ. Trộn đều với bột thuốc rồi vo thành viên hoàn to bằng hạt ngô đồng, mỗi lần dùng 50 viên uống kèm với nước táo sắc.

Chữa chứng mất ngủ, hay mơ, chứng thiếu máu cơ tim

Lấy 10g viễn chí, 10g đẳng sâm, 10g đương quy, 10g bạch thược, 10g mạch đông, 10g phục linh, 10g sinh khương, 3g cam thảo và 3g quế tâm. Đem quế tâm tán thành bột để riêng, còn các vị thuốc còn lại thì đem sắc với nước rồi hòa cùng với bột quế, uống thay nước lọc hàng ngày, sẽ mang lại hiệu quả đáng kể.

Hoặc đối với tình trạng mất ngủ và rối loạn nhịp tim

Lấy 10g viễn chí, 10g toan táo nhân đem sao vàng và 50g gạo tẻ. Đem các nguyên liệu sắc lấy nước uống, lọc bỏ bã rồi cho gạo vào nấu thành cháo. Dùng ăn vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ sẽ mang lại hiệu quả cao, giúp có giấc ngủ ngon và sâu giấc.

Chữa chứng suy nhược thần kinh

Lấy 20g viễn chí, 20g thạch xương bồ, 30g nhân sâm, 30g đẳng sâm và 30g phục linh. Đem các dược liệu sấy khô rồi tán thành bột mịn, trộn với hồ vo thành viên hoàn, mỗi ngày dùng 1 – 2 lần, chia đều kiều lượng và dùng trong khoảng 5 – 7 ngày.

Chữa chứng sốt cao, co giật – Viễn chí có tác dụng gì?

Lấy viễn chí, sinh địa, câu đằng và thiên trúc mỗi loại dược liệu 8g, đem sắc lấy nước uống, áp dụng thường xuyên mỗi ngày để hạ sốt, giảm bớt tình trạng co giật, mệt mỏi, buồn nôn khó chịu.

Chữa ho có đờm, viêm phế quản

Lấy viễn chí, trần bì và cam thảo mỗi loại dược liệu 3g đem sắc uống trong ngày.

Hoặc dùng 8g viễn chí, 8g cát cánh và 6g cam thảo đem sắc uống trong ngày.

Cách ngâm rượu viễn chí – Viễn chí có tác dụng gì?

Lấy 0.3g viễn chí khô, 0.3g hạt câu kỷ tử khô, 0.5kg lá cây dâm dương hoắc, 1kg quả bạch tật lê khô và 10 lít rượu gạo. Đem các dược liệu ngâm với rượu, ngâm trong vòng 1 tháng là có thể dùng được, mỗi ngày uống 2 – 3 ly, có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe. Vị thuốc viễn chí ngâm rượu có tác dụng giúp ngăn ngừa một số bệnh, mang lại sức khỏe tốt cho người dùng.

Lưu ý khi sử dụng viễn chí

  • Tránh dùng dược liệu viễn chí kết hợp với trân châu, tề tào và lê lô.
  • Ngoài ra, nó không nên dùng đối với người có hỏa thực, và nếu dùng chung thì phải phối hợp với hoàng liên.
  • Đối với những người bị âm hư hỏa vượng không nên dùng.
  • Tránh dùng cho người bị bệnh viêm loét dạ dày, viêm loét tá tràng

One thought on “Cây viễn chí có tác dụng gì?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Liên hệ
Liên hệ