Ngọc trúc là tên gọi của phần thân và rễ khô của cây ngọc trúc, là loại thảo dược quý được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh. Vị thuốc ngọc trúc được dùng để chữa tiểu tiện nhiều lần, cơ thể bị hư nhược, ra nhiều mồ hôi, di tinh, phong thấp, đau lưng, đau thắt ngực,… Vậy ngọc trúc là cây gì? Ngọc trúc có tác dụng gì? Ngọc trúc chữa bệnh gì? Để biết rõ hơn về công dụng của ngọc trúc, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết sau đây.
Ngọc trúc là cây gì?
Cây ngọc trúc thuộc họ thiên môn đông Asparagaceae, có tên khoa học là Polygonatum odoratum (Mill.) Druce hay Polygonatum officinale và còn được gọi với các tên gọi khác như nữ ủy, ngọc trúc hoàng tinh.
Hình ảnh cây ngọc trúc

Cây ngọc trúc là loại cây thân thảo, sống lâu năm, không phân nhánh và có chiều cao trung bình khoảng 40 đến 60 cm. Vì thân và rễ cây nhẵn bóng như ngọc, lá có hình dáng tương tự như lá trúc nên được gọi là ngọc trúc.
Thân có đường kính 0.5 – 1,5 cm, thân rễ mọc ngang có màu trắng vàng, xung quanh thân rễ có nhiều rễ con mọc xung quanh, trên thân rễ có các vết sẹo do cành rụng để lại.
Lá ngọc trúc thường mọc so le nhau, lá mọc từ giữa thân trở lên. Phiến lá có hình trứng, màu xanh lục, vào mùa thu lá sẽ chuyển sang màu vàng, lá dài 6-12cm, rộng khoảng 3-6cm. Lá cứng dài, không cuống, mặt dưới lá có màu trắng, các đường gân song song.
Hoa có hình chuông màu trắng hoặc màu vàng nhạt, thường mọc ở kẽ lá trông rất nổi bật. Mỗi kẽ có 1-2 bông hoa, phần cuống dài khoảng 1-1.5cm, mỗi hoa có 3 cánh dính với nhau thành một ống, hoa tự thụ phấn hoặc thụ phấn nhờ côn trùng.
Quả mọng tròn, hình cầu, có màu xanh đen hoặc đỏ khi chín, đường kính quả 1 – 7mm, bên trong quả chứa từ 3 – 6 hạt vàng có chấm sáng.
Cây ngọc trúc thường ra hoa vào tháng 5 – 7 và ra quả vào mùa thu.
Mô tả dược liệu
Dược liệu có hình trụ tròn, hơi dẹt, dài 4-18 cm, đường kính 0.3-1,6 cm và ít nhánh. Mặt ngoài dược liệu có màu trắng hơi vàng hoặc hơi vàng nâu, bên trong mờ, có các đường vân nhăn dọc, vòng đốt tròn hơi lồi, có vết sẹo của rễ con dạng chấm tròn, màu trắng, vết thân dạng đĩa tròn. Dược liệu có chất cứng giòn hoặc hơi mềm, dễ gãy, mặt gãy có tính chất sừng, khi nếm thử dược liệu có mùi nhẹ, vị hơi ngọt, khi nhai có cảm giác nhớt dính.
Khu vực phân bố
Cây ngọc trúc là loài thực vật có nguồn gốc từ Trung Quốc đucợ phân bố chủ yếu ở nhiều tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam, ngoài ra chúng còn được phân bố ở châu Á, Tây châu Á và Đông Bắc.
Ở nước ta, cây ngọc trúc không quá phổ biến, trồng ở một số địa phương vùng núi cao phía Bắc với số lượng nhỏ và được sử dụng trong phạm vi cộng đồng nhỏ. Viện dược liệu (Trại thuốc Sapa) là nơi duy nhất ở nước ta đang giữ giống ngọc trúc với mục đích bảo tồn lâu dài.
Cây ngọc trúc là loại cây chịu bóng, ưa ẩm, thường mọc dưới những tán cây lớn hoặc được trồng thành luống ở vườn rau. Cây thích nghi với điều kiện khí hậu ẩm mát của vùng nhiệt đới cao khoảng 1400 – 1600m, nhiệt độ trung bình năm từ 14 – 16 độ C, vào mùa đông băng giá cây vẫn có khả năng tồn tại được.
Cây con thường mọc vào khoảng tháng 5 – 6, cây có khả năng phân nhánh khỏe từ phần thân rễ, mọc thành từng khóm lớn và có nhiều nhánh.
Thu hái, chế biến
Người ta thường sử dụng phần thân rễ (ngọc trúc) và lá (ngọc trúc diệp) sử dụng làm thuốc chữa bệnh.
Phần thân rễ được thu hái vào mùa thu, sau khi thu hái, cắt bỏ rễ, loại bỏ tạp chất, rửa sạch dược liệu, ủ mềm, cắt đoạn hoặc cắt lát dày rồi đem phơi hoặc sấy khô đến khi dược liệu khô hoàn toàn.
Ngoài ra, ta có thể bào chế dược liệu bằng các cách sau:
- Ủ rễ và thân dược liệu trong 1 ngày 1 đêm hoặc có thể lâu hơn cho đến khi dược liệu chuyển sang màu đen thì cắt thành từng đoạn nhỏ dài 2-3 cm.
- Đem phần thân rễ dược liệu ủ mềm, đồ chín trong khoảng 8 tiếng, Người dùng sử dụng 10 kg thân rễ, nấu mềm trong vòng 8 giờ, rồi cắt thành từng khúc. Thêm rượu và chưng trong 4 giờ trước khi sử dụng, cứ 10kg dược liệu thì sử dụng 1.5kg rượu.
- Đem dược liệu ngâm với mật ong trong 30 phút rồi sao vàng theo tỷ lệ 10:1. Sao trên lửa nhỏ cho đến khi dược liệu dậy mùi thơm và không dính tay là có thể dùng được.
Rễ ngọc trúc sau khi sơ chế xong cần bảo quản trong túi bóng kín hoặc hộp có nắp, bảo quản ở nơi thoáng mát tránh ẩm mốc. Nếu sử dụng ngọc trúc khô thì người dùng nên đem phơi khô thường xuyên để bảo quản dược liệu tốt hơn.
Thành phần hóa học
Hần thân rễ của cây ngọc trúc có chứa nhiều thành phần dược chất có lợi cho sức khỏe như chất convallarin, các chất flavonoid, chất nhầy, các khoáng chất, saponin,…
Tác dụng dược lý – Ngọc trúc có tác dụng gì?
Trong đông y ngọc trúc có tác dụng gì?
Theo đông y, vị thuốc ngọc trúc có vị ngọt, tính hơi hàn nên được quy vào 2 kinh phế và vị. Vị thuốc ngọc trúc có tác dụng chữa ho khan, ho lao, sốt nóng âm ỉ về đêm, mồ hôi trộm, miệng khô khát, di tinh, ăn khó tiêu, kém ăn, dùng làm thuốc bổ trong trường hợp suy nhược cơ thể, dùng làm thuốc phòng các bệnh ở phụ nữ sau sinh, phong thấp,…
Trong y học hiện đại ngọc trúc có tác dụng gì?
- Hoạt chất Asparagine trong dược liệu ngọc trúc có tác dụng lợi tiểu.
- Polysacarit là thành phần hoạt tính sinh học chính của vị thuốc ngọc trúc giúp cải thiện khả năng miễn dịch và được sử dụng trong điều trị bệnh tim mạch, bệnh thấp khớp và bệnh tiểu đường.
- Homoisoflavanone-1 được chiết xuất từ dược liệu hoạt động như một chất ức chế ung thư và có khả năng trở thành một phương pháp điều trị mới cho bệnh ung thư phổi không phải tế bào nhỏ.
- Bổ sung Polysacarit được chiết xuất từ vị thuốc ngọc trúc làm giảm bớt các đặc điểm béo phì dựa trên thí nghiệm ở chuột ăn nhiều chất béo. Đồng thời, liên quan đến điều hòa của hệ vi sinh vật đường ruột.
- Chiết xuất từ ngọc trúc có khả năng ức chế sự tăng sinh và gây ra apoptosis của các tế bào ung thư vú MDA-MB-231.
- Tăng cường khả năng chịu đựng của tim mạch với tình trạng thiếu oxy, từ đó tác động làm giảm lipid máu và làm chậm quá trình hình thành xơ vữa động mạch.
Những bài thuốc chữa bệnh từ ngọc trúc
Hỗ trợ điều trị thấp tim – Ngọc trúc có tác dụng gì?
Lấy các vị thuốc ngọc trúc, cam thảo, tân cửu và đương quy mỗi loại dược liệu 12g. Đem các dược liệu rửa sạch, rồi nấu cùng với 600ml nước, đun trên lửa nhỏ đến khi các dưỡng chất đã ngấm dần ra nước thuốc thì ngưng, dùng uống hết trong ngày, uống liên tục trong 7 – 14 ngày để tình trạng bệnh được cải thiện tốt nhất.
Chữa phổi khô nóng, đau dạ dày
Lấy 16g ngọc trúc, 12g sa sâm, 12g mạch môn đông và 8g cam thảo, các dược liệu đều sử dụng dạng khô. Sau đó đem các dược liệu rửa sạch, nấu cùng với 700ml nước, đun trong 20 phút, dùng uống trong ngày, kiên trì sử dụng mỗi ngày tình trạng bệnh sẽ được cải thiện đáng kể.
Chữa suy nhược cơ thể, khô miệng, mồ hôi trộm
Lấy 16g ngọc trúc, 12g mạch môn, 12g bạch thược, 12g sa sâm, 12g địa cốt bì, 8g ngân sài hồ, 6g trần bì và 6g bối mẫu, tất cả vị thuốc đều sử dụng dạng khô. Đem các dược liệu sắc cùng với 400ml nước, đun trên lửa nhỏ cho đến khi nước cạn còn 100ml thì ngưng, chia làm 2 lần uống trong ngày.
Chữa ho lao, ho khan – Ngọc trúc có tác dụng gì?
Lấy 20g ngọc trúc, 16g ý dĩ nhân và 8g sa sâm, đem dược liệu rửa sạch, sắc cùng với 700ml nước, đun sôi trên lửa nhỏ khoảng 15 phút, chia làm 2 – 3 lần uống hết trong ngày.
Những lưu ý khi sử dụng vị thuốc ngọc trúc
- Những người tỳ vị hư nhược, đờm thấp ứ trệ, âm thịnh dương suy tuyệt đối không nên dùng dược liệu ngọc trúc hoặc các bài thuốc có chứa dược liệu.
- Người bị đầy trướng bụng và tiêu chảy không nên dùng dược liệu.
- Người bệnh nên hạn chế sử dụng nồi hoặc vật dụng bằng kim loại khi chế biến các món ăn hoặc sắc thuốc. Vì điều này làm giảm dược tính của thuốc và ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.
- Người bệnh không được tự ý kết hợp ngọc trúc với các dược liệu khác khi chưa có chỉ định của bác sĩ hoặc người có chuyên môn.
- Không sử dụng thuốc tây song song với dược liệu để tránh xảy ra các tác dụng phụ.
mình cần tìm hiểu thêm về dược liệu này