Cây thì là hay còn được gọi là thìa là, chúng có hương vị đặc trưng nên thường được dùng làm gia vị các món ăn. Tuy nhiên, ngoài việc át mùi tanh, kích thích vị giác thì cây thì là còn đem lại nhiều công dụng chữa bệnh hiệu quả như giúp tăng cường hệ tiêu hóa, lợi sữa, giảm hôi miệng, cải thiện hệ miễn dịch, đau bụng, đau răng, trướng bụng, đầy bụng, nôn mửa, sỏi bàng quang, sỏi thận,… Vậy cây thì là là cây gì? Cây thì là có tác dụng gì? Cây thì là chữa bệnh gì? Vì vậy, để hiểu rõ hơn về công dụng của cây thì là, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết hơn qua bài viết sau đây nhé.
Cây thì là là cây gì?
Cây thì là thuộc họ hoa tán Apiaceae có tên khoa học là Anethum graveolens.
Hình ảnh cây thì là

Cây thì là thuộc loại cây thảo sống lâu năm, cao khoảng 0,8 m đến 1 m hoặc đôi khi cao hơn.
Thân cây nhẵn mọc thẳng, ít phân nhánh và có khía dọc. Các lá mọc xen kẽ nhau, có cuống lá dài, các bẹ lá to đều phát triển tốt. Phiến lá xẻ ba lần lông chim thành các thùy nhỏ hình sợi dài từ 10 – 20 mm, rộng 0,5 mm, phần ngọn lá tiêu giảm và không có cuống.
Cây có hoa mọc thành cụm ở đầu cành hoặc ở ngọn thân, tạo thành tán kép, có cuống chung dài, chia thành 10-15 nhánh, mỗi tán nhỏ có 20 – 40 nhánh con. Hoa màu vàng, tràng hoa cong vào trong, đài hoa có răng ngắn, nhị và cánh hoa xen kẽ nhau, bầu hạ có hai lá noãn dính vào nhau.
Quả bế kép có hình trứng, dài 3 mm, rộng 1,5 mm, lưng dẹt, dễ tách, có 3 sống dọc nổi. Cây thì là thường cho hoa và quả vào tháng 1 – 3 hàng năm.
Khu vực phân bố
Cây thì là mọc ở khắp nơi từ vùng ôn đới ẩm đến vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới như Hungary, Đức, miền tây Nga, Ấn Độ, Ai Cập, Mỹ, Pakistan, Việt Nam, Trung Quốc và nhiều nước ở khu vực Australia và phía Đông – Nam Á.
Ở Việt Nam, cây thì là phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc và bắt đầu từ Quảng Bình trở ra.
Loại cây này thích hợp mọc ở nơi có nắng, ẩm ướt, nhiệt độ từ 15 – 20 độ C. Cây có khả năng chịu được nhiệt độ thấp nhất từ 5 – 7 độ C nhưng vẫn sinh trưởng và phát triển tốt trong điều kiện có sương mù.
Cây thì là thường được trồng vào mùa đông xuân, chúng là loại cây sinh trưởng nhanh được trồng từ hạt, cây bắt đầu ra hoa sau thời gian trồng 1,5 – 2 tháng. Nếu trồng vào mùa đông thì có thể kéo dài thời gian sinh trưởng của cây, trong một tán hoa kép, thì hoa đơn bên ngoài nở trước, hoa sau nở từ ngoài vào trong.
Thời gian nở hoa của cây thì là thường kéo dài 11-14 giờ trong ngày. Hạt thìa là có thể bảo quản được 2-3 năm, tỷ lệ nảy mầm có thể đạt 75%.
Thu hái, chế biến
Cây thì là được dùng cả phần lá, rễ củ, thân, hạt làm thuốc chữa bệnh hoặc dùng trong chế biến thực phẩm. Trong đó, hạt thì là là bộ phận được sử dụng phổ biến nhất.
Cây thì là được thu hái quanh năm, có thể dùng tươi hoặc phơi khô
Giá trị dinh dưỡng
Cây thì là tươi rất ít calo nhưng chúng cung cấp nguồn các vitamin và khoáng chất dồi giàu như Vitamin A, Vitamin C, Mangan,…
Ngoài ra, trong 1 phần ăn được của thì là có chứa 44g% carbohydrat, 20g% nước, 12g% chất xơ, 4g% chất béo, 60mg% ascorbid và hàm lượng tinh dầu chiếm đến 0.1% – 1.5%.
Trong quả chứa 34g% carbohydrat, 16g% protein, 14g% chất béo, 8g% nước, trong đó lượng tinh dầu chiếm 2 – 6%.
Tác dụng dược lý – Cây thì là có tác dụng gì?
Trong đông y cây thì là có tác dụng gì?
Theo đông y, vị thuốc thì là có vị hơi đắng cay, tính ấm, không độc nên được quy vào 2 kinh thận và tỳ.
Lá thì là được dùng chữa đau bụng, đau răng, tiêu hóa kém, rối loạn đường tiết niệu do sỏi thận, viêm thận và viêm bàng quang.
Quả thì là có tác dụng tương tự như dược liệu tiểu hồi hương nên thường được dùng chữa kích thích tiêu hóa, đau bụng, lợi sữa, lợi tiểu, trướng bụng, huyết áp cao, xơ cứng mạch não,…
Trong y học hiện đại cây thì là có tác dụng gì?
Giàu chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa là các hợp chất tự nhiên có khả năng bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại bởi các gốc tự do. Ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có thể giúp giảm viêm mãn tính, ngăn ngừa và thậm chí điều trị nhiều loại bệnh như bệnh Alzheimer, bệnh tim, viêm khớp dạng thấp và một số bệnh ung thư.
Cả hạt và lá của cây thì là được ghi nhận là rất giàu một số hợp chất thực vật có đặc tính chống oxy hóa, bao gồm:
- Hoạt chất Flavonoid là hợp chất thực vật này có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và một số bệnh ung thư. Đồng thời, chúng cũng đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe của não.
- Hoạt chất Terpenoids là những hợp chất này được tìm thấy trong tinh dầu có thể bảo vệ chống lại các bệnh về tim, não, thận, gan.
- Hoạt chất Tanin đã được chứng minh là có đặc tính chống oxy hóa mạnh, cũng như đặc tính kháng khuẩn.
- Nguồn giàu vitamin C trong cây thì là và đã được chứng minh là có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ.
Có đặc tính chống ung thư
Monoterpenes là một hợp chất thực vật tự nhiên được tìm thấy trong cây thì là, có liên quan đến các đặc tính kháng nấm, kháng virus, chống viêm và chống ung thư, cụ thể như ung thư phổi, ung thư ruột kết và ung thư vú.
Tuy nhiên, các nghiên cứu trên người về công dụng chống ung thư của thì là vẫn còn hạn chế và cần có thêm bằng chứng để xác nhận đặc tính chống ung thư từ cây thì là.
Có lợi cho sức khỏe tim mạch
Các flavonoid có trong cây thìa là đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ sức khỏe tim mạch do đặc tính chống viêm và chống oxy hóa mạnh mẽ của chúng.
Ngoài ra, các nghiên cứu trên động vật cho thấy chiết xuất từ cây thì là có thể có tác dụng giảm triglyceride và cholesterol.
Giảm lượng đường trong máu
Tăng đường huyết kéo dài có thể dẫn đến kháng insulin, hội chứng chuyển hóa và bệnh tiểu đường loại 2.
Cây thìa là đã được chứng minh là có tác dụng hữu ích trong việc giảm lượng đường trong máu. Một số nghiên cứu trên động vật bị bệnh tiểu đường đã chỉ ra rằng lượng đường trong máu lúc đói được cải thiện đáng kể nếu chiết xuất thì là được bổ sung hàng ngày, tuy nhiên nghiên cứu ở người còn hạn chế.
Hỗ trợ giảm cân
Cây thìa là không chỉ giúp tăng thêm hương vị cho các món ăn mà còn là một loại thực phẩm ngăn chặn sự thèm ăn hiệu quả, rất tốt cho những ai muốn giảm cân. Theo một nghiên cứu dựa trên kết quả ở 9 phụ nữ, chỉ cần uống 250ml trà pha và 2g hạt thì là trước khi ăn trưa sẽ làm giảm cảm giác đói. Vì vậy, họ không ăn nhiều vào buổi trưa và điều này chủ yếu là do hoạt chất Anethole gây ra.
Tuy nhiên, công dụng này vẫn còn nhiều tranh cãi, vì cũng có nghiên cứu cho thấy nhiều người bị tăng cân nhẹ sau khi dùng thìa là thường xuyên trong khoảng 3 tháng.
Lợi sữa – Cây thì là có tác dụng gì?
Cây thì là được chứng minh là có đặc tính galactogen có khả năng làm tăng tiết sữa. Nghiên cứu này dựa trên các thành phần hoạt chất hoạt động mạnh tích cực từ loại cây này là dianethole, anethole và photoanethole.
Điều này đã được khẳng định dựa trên sự tăng tiết sữa và tăng cân của trẻ sơ sinh khi các bà mẹ sử dụng cây thìa là. Theo một nghiên cứu, phụ nữ đang cho con bú nên dùng khoảng 7,5 gam hạt thìa là mỗi ngày và đều đặn trong 4 tuần để nhận thấy kết quả tích cực.
Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều nghiên cứu khẳng định lợi ích của thì là đối với sữa mẹ, nhưng một số trường hợp người dùng gặp phải tác dụng phụ khi sử dụng trà hạt thì là. Vì vậy nếu bạn muốn kích sữa bằng hạt thìa là nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Ngoài ra, theo các nghiên cứu khác vị thuốc thì là còn có các công dụng sau:
- Với hàm lượng vitamin B và các flavonoid có thể cải thiện chứng mất ngủ bằng cách kích thích sản sinh hormone melatonin (hormone tạo ra cảm giác buồn ngủ) và làm dịu hệ thần kinh trung ương.
- Với hàm lượng vitamin C dồi dào trong vị thuốc thì là có tác dụng tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ điều trị các chứng bệnh viêm nhiễm đường ho hấp như đau họng, ho, ho có đờm,…
- Bổ sung rau thìa là thường xuyên giúp cung cấp cho cơ thể lượng canxi dồi dào, tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa loãng xương.
Những bài thuốc chữa bệnh từ cây thì là
Chữa rối loạn kinh nguyệt
Lấy lá thìa là tươi và rau mùi tây ngâm rửa sạch, để ráo. Đem thìa là giã lấy khoảng 60ml dịch chiết, giã và vắt rau mùi tây lấy khoảng 15ml nước ép, trộn đều 2 loại nước và chia làm 3 lần uống trong ngày.
Chữa rối loạn tiêu hóa
Ăn lá thìa là nấu chín mỗi ngày giúp chống táo bón và tiêu hóa tốt. Trẻ em thì cho 1 – 2 muỗng nước sắc thì là trộn vào thức ăn sẽ giúp trẻ có một giấc ngủ ngon và phòng được chứng rối loạn tiêu hóa. Tinh dầu thìa là được dùng trong trường hợp nấc cục, ợ chua thừa axit trong dạ dày, đầy bụng và chứng tiêu chảy do rối loạn tiêu hóa.
Chữa sưng và đau khớp – Cây thì là có tác dụng gì?
Lấy một ít lá thìa là và dầu vừng, đem thìa là nấu với dầu vừng, để nguội và lọc lấy dầu. Khi dùng, lấy một ít dầu thoa lên vùng khớp bị sưng nóng sẽ giúp giảm đau và sưng.
Những lưu ý khi dùng cây thì là
- Vị thuốc thì là có tác dụng kích thích tử cung, do đó phụ nữ có thai không nên dùng quá nhiều rau thì là.
- Tránh sử dụng rau thì là đồng thời với các loại thuốc như thuốc tránh thai có chứa estrogen, Tamoxifen, thuốc chống co giật, viên uống chứa estrogen,…
- Ngoài ra, rau thìa là được bổ sung vào các món ăn để tăng thêm hương vị, giúp tiêu hóa tốt hơn và sức khỏe tốt hơn.
Mình cần tư vấn
Tôi muốn mua hạt thì là