Hôm qua 21/3/2022, Bộ Y tế ra chỉ thị đặc biệt yêu cầu các cơ quan ban ngành phải tăng cường giám sát bệnh Marburg do virus Marburg gây ra với ổ chứa tự nhiên là loài dơi ăn quả Rousettus aegyptiacus. Được biết đây là bệnh có khả năng lây truyền và tỷ lệ tử vong cao lên đến 50 – 88%.
Marburg là bệnh gì?
Bệnh Marburg là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Marburg gây ra, vật chủ trung gian truyền bệnh sang người có thể là dơi hoặc động vật linh trưởng. Bệnh lây truyền từ người sang người qua sự tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể hoặc môi trường/vật dụng bị nhiễm dịch tiết người mắc, chết do virus.

Bộ Y tế cho biết, đây là bệnh đặc biệt nguy hiểm, khả năng lây truyền và gây tử vong cao được xếp vào nhóm A trong luật Phòng chóng bệnh truyền nhiễm của nước ta. Đặc biệt, hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh, chỉ có thể điều trị triệu chứng cải thiện khả năng sống sót.
Thời gian ủ bệnh Marburg từ 2 – 21 ngày và khởi phát với những triệu chứng như sốt cao, đau đầu, khó chịu và sau đó nặng hơn khi xuất hiện tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn, xuất huyết, chuột rút. Bệnh gây tử vong sau 9 đến 10 ngày khởi phát triệu chứng do sốt xuất huyết và sốc mất máu.
Bộ Y tế yêu cầu giám sát đặc biệt đối với bệnh Marburg
Ngày 21/3/2022, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh thành phố trên cả nước và các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Viện Pasteur phải tăng cường giám sát phòng chống dịch bệnh nguy hiểm Marburg.
Theo đó, Sở Y tế địa phương phải đặc biệt giám sát người nhập cảnh từ khu vực châu Phi trong vòng 21 ngày, tại cộng đồng và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh. Đồng thời phải phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán, quản lý ca bệnh và không để lây lan cộng đồng.
Sở thông tin và truyền thông cần chủ động đưa tin về dịch bệnh Marburg cũng như những biện pháp phòng chống bệnh đến cộng đồng nhằm nâng cao sự chủ động phòng bệnh và tránh sự hoang mang ở người dân.
Trước đó, ngày 14/2, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã có cuộc họp khẩn sau khi ghi nhận 9 trường hợp tử vong tại Guinea Xích đạo vì sốt xuất huyết do virus Marburg.
WHO nhận định cần quản lý ca bệnh, truy tìm người tiếp xúc, thực hiện xét nghiệm, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm cộng đồng phải đặc biệt được chú ý. Sự phối hợp tham gia của cộng đồng là yếu tố then chốt để kiểm soát dịch bệnh, nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ lây nhiễm đến với cộng đồng là việc quan trọng hàng đầu.
Bên cạnh đó, việc phổ cập kiến thức bệnh Marburg cho nhân viên y tế cũng là một trong những yếu tố góp phần giúp quản lý và kiểm soát số ca bệnh (nếu có).
Bài cùng chuyên mục: